Tại sự kiện, TS Hidekazu Sone, Phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính sách, Đại học Nghệ thuật và Văn hóa Shizuoka kiêm giám đốc điều hành của Học viện kinh doanh gia đình Nhật Bản cho biết: “Trái với suy nghĩ thường gặp về tính co cụm và tập trung vào an toàn, rất nhiều doanh nghiệp gia đình Nhật Bản chia sẻ tinh thần Yamaraika từ khi khởi sự doanh nghiệp hàng trăm năm trước. Đặc trưng của tinh thần này, theo thổ ngữ vùng Enshu, là tinh thần “Cứ làm sẽ đến – just do it”, thể hiện khao khát các thách thức và tinh thần chiến đấu của cộng đồng. Triết lý quản lý của Suzuki, Toyota, Yamaha, Honda v.v… cũng phản ánh tinh thần chiến đấu này”.
Điểm cần chú ý là doanh nghiệp gia đình được định nghĩa là loại hình doanh nghiệp mà người thành lập và gia đình họ sở hữu một lượng cổ phần đáng kể hoặc những người này đang nắm quyền quản lý và có tầm ảnh hưởng lớn tới kinh doanh. Như vậy, không nhất thiết gia tộc phải nắm phần lớn cổ phần mới được xem là doanh nghiệp gia đình, mà chỉ cần nắm quyền quản lý hoặc khả năng tạo ảnh hưởng lớn đến công ty.
Để có thể trường tồn, các doanh nghiệp gia đình cần phải quan tâm chính trên các điểm sau:
- Cần xây dựng một nền tảng văn hóa vững vàng, thể hiện chính thức qua gia phong – một bảng quy tắc hành xử được lập ra và đảm bảo tôn trọng nghiêm ngặt qua các thế hệ, trong đó bao hàm những giá trị tốt đẹp chung dành cho xã hội như đối xử công bằng, tinh thần bất vụ lợi, tinh thần phụng sự, tôn trọng sự thật, lòng biết ơn… Không chỉ sử dụng riêng trong gia đình, Gia phong còn là nét văn hóa chung của toàn công ty.
- Giữ tinh thần hòa hợp với cộng đồng, trở thành một công ty được người dân địa phương yêu mến và tôn trọng, do đó tồn tại gắn bó mật thiết với như một thành tố lâu dài nơi doanh nghiệp hoạt động. Đây là quan điểm “siêu dài hạn”, rất khác biệt với tư duy nhiệm kỳ của các công ty thông thường.
- Đào tạo nhân lực cho những người kế nghiệp từ nhỏ, cả về kỹ năng quản lý lẫn bí quyết kỹ thuật, về kỹ thuật lẫn nghệ thuật quản lý, và tạo ra lòng yêu nghề và bám sát hiện trường sản xuất và kinh doanh từ thuở thiếu thời, thay vì bảo bọc thái quá hoặc để sát lúc cần mới yêu cầu kế nghiệp. Đặc biệt quan trọng, cần phải cho làm việc từ những vị trí thấp nhất và luân chuyển qua nhiều chức năng khác nhau mới được cho thăng tiến, và đặc biệt nghiêm khắc hơn những người bình thường về kết quả họ làm ra trong quá trình huấn luyện này. Trong đó, người kế nghiệm sẽ phải xây dựng sự đồng cảm, mối quan quan hệ và sự tin tưởng rộng khắp.
Các doanh nghiệp gia đình cũng cần phải tránh đi các sai lầm điển hình đã được nghiên cứu như sau:
- Tập trung quá nhiều vào lợi ích của dòng tộc, đặt trên sự hòa hợp với xã hội và đi ngược lại những giá trị chung của xã hội. Điểm này sẽ làm giảm giá trị của công ty và lập tức gây trở ngại đến sự trường tồn của doanh nghiệp.
- Không nắm vững tài chính – kế toán. Ít nhất phải có một người trong gia đình nắm vững về kế toán để điều khiển được dòng tiền một cách lành mạnh.
- Lẫn lộn công tư: sử dụng tiền bạc kém phân minh, thiên vị người thân quá đáng, hoặc mở rộng kinh doanh theo ý cá nhân quá nhanh. Hơn nữa, người quản lý nếu có thái độ ngang ngược, độc đoán, kém minh bạch với những người liên quan cũng sẽ đưa doanh nghiệp đi xuống rất nhanh.
- Để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong gia tộc mà không có một cơ chế ngăn ngừa và phân xử từ sớm như Hội đồng gia tộc – bao gồm các thành viên lão thành và những người có uy tín lớn hoặc đang điều hành doanh nghiệp. Hội đồng gia tộc sẽ đảm bảo các quyết định được đưa ra bám sát với những chuẩn mực đạo đức và quản lý từ gia phong.
Theo: Doanhnhanonline