“Không dễ gì các tập đoàn nước ngoài bắt tay với T&T. Họ xem xét T&T từ kinh doanh đến đóng góp cho cộng đồng. Ngược lại, T&T cũng chỉ làm ăn với bên nào mang tiền và công nghệ vào”, ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch Tập đoàn T&T, nói với VietnamFinance.
Những ai từng tiếp xúc với “Bầu Hiển” đều khó dứt ra, nếu không tự chủ động kết thúc. Đam mê công việc đến mức thiết lập một hệ đồng hồ sinh học khác biệt. Ăn trưa lúc 2 giờ chiều và ăn tối lúc 12 giờ đêm hoặc 1 giờ sáng. “Bầu Hiển” với T&T càng đi càng mở to và làm rộng thêm con đường trước mặt.
Vốn, công nghệ và cùng ăn chia
Khi được hỏi vì sao gần đây, T&T “ký tá” với hàng loạt đối tác “khủng” ở nước ngoài, ông Hiển nói với VietnamFinance: “Không dễ gì họ bắt tay với T&T. Họ xem kết quả kinh doanh, tầm nhìn chiến lược tập đoàn và chúng tôi đóng góp cho cộng đồng như thế nào. Tất nhiên, T&T cũng chỉ lựa chọn những đối tác lớn, có tiềm lực tài chính, công nghệ và quan điểm là cùng làm cùng ăn chia”.
“Cùng làm, cùng ăn chia”, theo ông Hiển, trước hết là phải dựa trên những lĩnh vực cốt lõi mà tập đoàn đang hoạt động, những lĩnh vực đó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia. Đó là tài chính và đầu tư; bất động sản; công thương; nông, lâm, thuỷ sản; hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics; khoáng sản, năng lượng và đặc biệt là môi trường, y tế, giáo dục.
Song song với đó, T&T chỉ chọn những đối tác lớn, năng lực tài chính vững, nền tảng công nghệ tốt, quản trị doanh nghiệp hiện đại. “Chỉ có các tập đoàn lớn của nước ngoài mới hội tụ đủ 3 yếu tố cốt lõi đó. Đây cũng là cách để T&T tiếp cận nhanh với xu hướng 4.0 và ứng dụng các mô hình quản trị hiện đại trong bối cảnh tập đoàn đang lớn thêm mỗi ngày”, ông Hiển nói.
Việc được tháp tùng lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong các chuyến công du nước ngoài đã mở ra cho “Bầu Hiển” hàng loạt cơ hội hợp tác. Có thể đơn cử một số dự án như: ký với tập đoàn xây dựng của Pháp (Bouygues) xây dựng tuyến đường sắt số 3 Nhổn – Sơn Tây; hợp tác với Israel, Hà Lan làm nông nghiệp sạch; bắt tay Hàn Quốc, Nhật Bản xử lý rác sinh hoạt và rác công nghiệp.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về Dự án Đường sắt đô thị số 3 giữa Tập đoàn T&T với Tập đoàn Bouygues của Pháp. (Ảnh: Mai Anh)
Mới đây nhất, T&T còn ký với Hiệp hội doanh nghiệp HunterNet của Australia (có 200 doanh nghiệp quy mô vốn thấp nhất 5 tỷ USD mỗi doanh nghiệp) để chăn nuôi bò, khai thác than tại nước này.
Có một chi tiết đáng chú ý, khi mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhiều người băn khoăn với ông về tính “dàn trải”, “năng lực tài chính”, “rủi ro đầu tư khi chuyên gia nước ngoài rút đi”, ông nói: “Rút kinh nghiệm một số dự án nông nghiệp sạch ở Việt Nam khi chuyên gia nước ngoài về nước, lập tức xảy ra trục trặc, thậm chí dừng hoạt động, tôi thoả thuận với họ là phải mang vốn, công nghệ và cùng làm cùng ăn. T&T không bỏ cả gói tiền ra thuê chuyên gia và mua công nghệ, mua máy móc bởi rất rủi ro”.
Ông Hiển giải thích thêm mô hình hợp tác này tuy đơn giản nhưng chắc chắn. Bao giờ các doanh nghiệp lớn của nước ngoài cũng có các quỹ đầu tư đi theo. Ví dụ, T&T (A) ký hợp tác một dự án với B (nước ngoài) thì cả hai bên đều thành lập pháp nhân. T&T lo mọi chuyện nội bộ (từ giấy tờ, thủ tục, kênh phân phối nội địa…) và góp một tỷ lệ vốn nhất định. Bên B cũng góp một tỷ lệ vốn còn lại theo thoả thuận. Sau đó, cả A và B đều phải chứng minh tính khả thi của dự án để các quỹ đầu tư từng là bạn hàng của B xem xét bỏ thêm vốn.
“Muốn ra biển lớn, phải làm ăn với tay to. Nhưng ‘đồng tiền đi liền khúc ruột’, mình phải chắc tay thì mối quan hệ mới bền”, ông nói.
“Đối tác nước ngoài dù lớn đến mức nào nhưng khi hợp tác kinh doanh thì cùng góp vốn và kêu gọi các quỹ đầu tư, các tổ chức tín dụng nước ngoài vào. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là không đủ năng lực để đáp ứng nguồn vốn đối với các dự án trung dài hạn nên phải có sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn. Rất nhiều quỹ đầu tư, các tập đoàn tài chính quốc tế đang quan tâm và muốn đầu tư vào Việt Nam. Sẽ có nhiều làn sóng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới”.
Nguồn: Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T |
Không bỏ quên cộng đồng
“Nếu các bạn chú ý, sẽ thấy trong vài năm gần đây, khi tiềm lực T&T đủ mạnh, chúng tôi đã bổ sung thêm một trụ cột vô cùng quan trọng là chăm sóc cộng đồng”, “Bầu Hiển” say sưa về các dự án bệnh viện, xử lý rác thải và đầu tư bóng đá.
Sau khi cổ phần hoá thành công dự án Bệnh viện Giao thông, T&T ký hợp tác với một tập đoàn của Nhật để xây dựng bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời hợp tác với một tập đoàn khác của Nhật sẽ thiết kế một chuỗi dịch vụ khám sức khỏe tổng thể tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam.
Đặc biệt, T&T cũng tham gia và lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt và rác công nghiệp, vốn được coi là vấn nạn nhức nhối với cộng đồng hàng chục năm nay.
“Xử lý rác sinh hoạt thì không ai qua mặt được Tập đoàn Hitachi Zosen (Nhật Bản). Còn rác công nghiệp thì phải nói đến Tập đoàn Veolia của Pháp, vốn từng làm mưa làm gió trên thị trường rác thải công nghiệp ở Nhật và Hàn Quốc. Sự cố ô nhiễm môi trường của Formosa (Hà Tĩnh) cũng được Chính phủ Việt Nam mời Veolia sang tư vấn giải pháp. T&T đã ký và đang triển khai dự án với hai đối tác này”, ông nói.
T&T thiết kế chuỗi siêu thị Qmart tiêu thụ nông sản sạch T.Vita của tập đoàn này. (Ảnh: Mai Anh)
Khi nói về bóng đá, ông kể một cách ngạc nhiên: “Các đối tác khi kết thúc đàm phán với tôi, họ còn kể tỉ mỉ cách tôi đầu tư vào bóng đá và chăm chút các con trong đội bóng như thế nào. Có những thứ họ hiểu tôi hơn cả tôi!”.
Ông kể, từ hơn 10 năm nay, ông và ban lãnh đạo đội bóng lân la khắp các tỉnh thành địa phương cả nước tìm kiếm các cầu thủ nhí qua các trận đấu.
Hiện tại, T&T có 5 trung tâm bóng đá, có nhiều lứa tuổi, bé nhất là 8 – 10 tuổi. Khi về trung tâm, các con thực hiện chế độ ăn, ngủ, tập và cả gấp quần áo, vệ sinh cá nhân… như trong bộ đội. Trong trận đấu Việt Nam – Malaysia (AFF Cup 2018) mới đây, đã có “7 con” của “Bầu Hiển” trong màu áo tuyển Việt Nam.
“Tôi cũng xác định cho các con là đã chơi là phải vô địch, phải có mục tiêu, tham vọng để phấn đấu, nếu về nhì là thất bại. Tôi sẵn sàng cho xuống hạng nếu các con tiêu cực. Tôi bảo các con là cứ đá hay đá đẹp, cống hiến thì có mọi thứ”, ông nói.
Các ký kết quan trọng giữa T&T và đối tác nước ngoài trong thời gian gần đây:
– Hợp tác với Tập đoàn Bouygues (Pháp) xây dựng tuyến đường sắt số 3 Nhổn – Sơn Tây và nâng cấp, xây mới tổ hợp Sân vận động Hàng Đẫy. – Hợp tác với các Tập đoàn lớn của Nhật: Tập đoàn Hitachi Zosen, Tập đoàn Mitsui&Co, Tập đoàn EIWAIKAI trong lĩnh vực năng lượng, môi trường, y tế. – Hợp tác với các Tập đoàn lớn Hàn Quốc trong lĩnh vực xử lý rác thải. – Hợp tác với 3 đối tác lớn của Nga, xây dựng Food City tại Việt Nam. – Hợp tác với Tập đoàn Boskalis (Hà Lan) trong lĩnh vực cảng biển. – Hợp tác với Israel, Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp. – Hợp tác với Chính phủ Guinea Bissau trong việc nhập khẩu từ Guinea Bissau 150.000 – 200.000 tấn điều thô/năm. – Hợp tác với Tập đoàn Hanergy (Trung Quốc) xây dựng Dự án thành phố công nghệ cao năng lượng di động Châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam. – Hợp tác với Tập đoàn YCH (Singapore) trong dự án thành lập trung tâm tăng trưởng thông minh. – Hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp HunterNet (Úc) trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khai thác than, dệt may công nghiệp. – Hợp tác với USAID – V.LEEP (Mỹ) trong lĩnh vực năng lượng. Nguồn: Tập đoàn T&T |
Theo nguồn bài viết https://vietnamfinance.vn/chu-tich-tt-do-quang-hien-muon-ra-bien-lon-phai-ket-giao-voi-tay-to-20180504224216383.htm