(Bizwoman) – Sau vụ việc căng da mặt làm khách hàng tử vong cuối năm 2019, mới đây, BVTM Kangnam tiếp tục bị khách hàng tố PTTM hỏng, khiến người này liệt dây thần kinh số VII, biến dạng khuôn mặt, mất 50% sức khoẻ do thương tật…
Ngày 10/2/2020, trong đơn tố cáo gửi đến các cơ quan báo chí, bà H.L. (Việt kiều Đức) cho biết, sau khi đọc nhiều các tin quảng cáo của Bệnh viện thẩm mỹ KangNam (BVTM Kangnam) ở trên Youtube cũng như các trang mạng truyền thông, ngày 22/4/2016, bà đã đến Bệnh viện này tại địa chỉ số 84A Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3 để tư vấn thẩm mỹ.
Sau khi được đội ngũ BVTM Kangnam tư vấn thì đến ngày 23/4/2016, bà H.L. tiến hành làm các thủ tục khám bệnh, lấy máu xét nghiệm để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt, căng da trán và cắt mí mắt tại cơ sở này.
Theo đó, với dịch vụ căng da mặt, căng da trán bác sĩ tên G. là người thực hiện cho bà H.L., riêng dịch vụ cắt mí trên và dưới do bác sĩ tên L. phụ trách.
Sau ca phẫu thuật bà H.L. được đẩy về phòng hậu phẫu chăm sóc. Hai ngày sau, tình trạng sưng húp khuôn mặt vẫn không thuyên giảm, khi đưa thức ăn vào miệng đều bị rơi vãi, uống nước phải dùng ống hút mới hút được.
Nhận thấy sự bất thường nên bà H.L. hỏi thăm bác sĩ thì được lý giải đó là một hiện tượng bình thường sau phẫu thuật, về sau sẽ hết. Tin lời bác sĩ, bà H.L. xuất viện về nhà và 10 ngày sau quay lại cắt chỉ.
Bà H.L. cho biết, những ngày sau đó, dù mặt đỡ sưng hơn nhưng bà ăn uống vẫn bị rơi vãi thức ăn, bóp giữ miệng vẫn không thể kiểm soát, mắt cứ mở trừng trừng không thể cử động được, gương mặt lệch méo. Lo lắng và nghi ngờ có điều gì đó không ổn nên bà H.L. đã phản ánh và yêu cầu BVTM Kangnam đưa đi giám định.
Sau khi cùng nhân viên của KangNam đến Bệnh viện thần kinh trung ương ở Luỹ Bán Bích, quận Tân Phú khám, thì bà được kết luận bị tổn thương dây thần kinh số VII. “Lẽ ra khi đó Kangnam phải đưa tôi đến bệnh viện chuyên khoa về thần kinh để xem xét, chữa trị thì khuôn mặt của tôi đã được cứu chữa kịp thời. Nhưng Kangnam đã không làm vậy mà vẫn tự ý phẫu thuật lại trong vòng 1 tháng 3 lần cho tôi”, bà H.L. bức xúc.
Sau khi BVTM KangNam biết dây thần kinh số VII của bà H.L. bị tổn thương, bệnh viện này đã cử một bác sĩ tên H., ở Hà Nội bay vào TP Hồ Chí Minh để trực tiếp phẫu thuật cho bà. Sau vài ngày phẫu thuật, chỗ má trái dễ chịu hơn nhưng vẫn căng tức, tất cả các triệu chứng khác vẫn không cải thiện.
“Sau khi phẫu thuật được mấy ngày còn chưa cắt chỉ, tôi đã được châm cứu, có hôm 2 lần/ngày. Do bị rạch lần 2 nên mặt của tôi vừa đau, vừa tê do kim châm cứu chọc sâu. Đau đến ứa nước mắt nhưng tôi vẫn phải cắn răng chịu đựng mong sao nhanh chóng bình phục để bay về Đức nhưng không đỡ chút nào”, bà H.L. trình bày.
Bà H.L. cũng cho biết, do nhận thấy tình hình không khả quan nên bác sĩ H. đã yêu cầu bà ra Hà Nội để chữa trị. Trước khi bay, bà có yêu cầu phía BVTM KangNam lập biên bản và đưa toàn bộ giấy tờ, kết quả xét nghiệm tổn thương cho bà, vì bà muốn có bằng chứng cho riêng mình, thế nhưng yêu cầu của bà không được chấp nhận.
Theo bà L mô tả, ở thời điểm đó má bên trái sắp bị hoại tử nên Kangnam đã yêu cầu bà ở lại Việt Nam trong 3 tháng để chữa trị. Đến tháng 5/2016, bà được BVTM Kangnam phẫu thuật lại lần 3 tại Hà Nội.
Sau ca phẫu thuật lại lần 3, bà H.L. hàng ngày đều phải đi châm cứu theo yêu cầu của Kangnam. Ròng rã 90 ngày chữa trị nhưng mặt bà H.L. không hề đỡ mà còn bị biến dạng, tê cứng.
Đến ngày 13/7/2016, bà L được Ban Giám đốc của Kangnam hỗ trợ tiền để bay về Đức. Theo bà H.L., sau phẫu thuật trong suốt một năm tại Đức bà không làm được việc gì mà chỉ dành toàn bộ thời gian để đi chạy chữa bởi mặt ngày càng lệch đi nhiều và tê cứng vùng đầu.
Tháng 9/2017, bà H.L. quay về Việt Nam để yêu cầu BVTM Kangnam giải quyết vụ việc của mình. Sau khi được Kangnam hỗ trợ một khoản tiền, bà H.L. lại tiếp tục bay sang Đức để điều trị.
“Vì thấy thời gian đã quá lâu mà sự tê, bì không đỡ, dần dần sự tê còn lan toả xuống cả cổ và khắp toàn thân thể, má bên trái ngày càng lõm sâu, nên tôi đã yêu cầu bác sĩ bên Đức cho đi giám định thương tật. Khi nhận kết quả giám định, tôi không thể đứng vững vì được biết dây thần kinh của tôi bị tổn thương không hoạt động được nên bị teo dần”, bà H.L. cho biết.
Tháng 12/2017, lần thứ hai bà quay về Việt Nam và yêu cầu BVTM Kangnam giải quyết vụ việc. Thế nhưng, khi được yêu cầu gặp lãnh đạo bệnh viện, bà bị từ chối với lý do lãnh đạo bận, không có thời gian.
Thậm chí, theo bà H.L., phía BVTM KangNam còn có nhiều lời nói xúc phạm bà, cho rằng bà bị như vậy là do cơ địa chứ không dính dáng gì tới quá trình PTTM tại Kangnam, hay bà đã đi nhiều các thẩm mỹ và chỉ để ăn vạ, đòi tiền, gia đình toàn đi lừa đảo…
Tháng 11/2019, bà H.L. trở về Việt Nam và làm giấy uỷ quyền cho Luật sư để làm việc với Kangnam đòi lại công bằng cho mình. Được biết, hiện bà H.L. đang chuẩn bị các thủ tục để khởi kiện BVTM Kangnam ra toà.
Theo đó, bà H.L. yêu cầu Kangnam phải xin lỗi và bồi thường vì đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm khi cho rằng bà ăn vạ đòi tiền. Đồng thời, bà H.L. yêu cầu bệnh viện phải trả lại bộ mặt bình thường như trước đây, bồi thường mọi đau đớn, tổn thương, mất mát tinh thần cũng như kinh tế, thất nghiệp (phải đóng cửa spa để đi chữa trị).
Bà L cho biết, chi phí bà chữa trị ở Đức trong suốt nhiều năm qua đã lên đến khoảng gần 20 tỷ đồng. Hiện tại mặt bà đã móp méo, liệt dây thần kinh số VII và ảnh hưởng cả cơ thể, đầu óc mông lung lúc nhớ lúc quên, một bên mắt luôn mở trừng trừng không thể nhắm kín lại. Một bên má bà L bị lõm sâu.
“Đã 4 năm trôi quan sau ca PTTM ở BVTM Kangnam sức khoẻ tôi vẫn chưa thể phục hồi, thậm chí càng ngày càng tệ. Tôi đang rất hoảng loạn, khi vừa mới nhận giấy chứng nhận bên Đức là tôi mất 50% sức khoẻ do thương tật”, bà H.L. lo lắng.
Liên quan đến vụ việc nói trên, Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.
Liên tiếp 3 bệnh nhân tử vong sau PTTM, lộ chuyện Bác sĩ sử dụng chứng chỉ hành nghề giả
Ngày 29/10/2019, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, song bệnh nhân hôn mê sau khi xăm chân mày làm đẹp đã tử vong lúc 9h sáng cùng ngày.
Sở Y tế TP xác định cơ sở thẩm mỹ thực hiện xăm chân mày cho nữ bệnh nhân xấu số nói trên là TMV Hoài Anh (14 Điện Biên Phủ, phường Đakao, quận 1). Ngày 11/10/2019, bệnh nhận tên C.T.L (59 tuổi, là Việt Kiều Mỹ) đến căng da mặt tại BVTM Kangnam (84A Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3). Tuy nhiên, trong sau PTTM, bệnh nhân được chuẩn đoán sốc phản vệ và theo dõi sốc phản vệ, đến 20h45 ngày 14/10, bệnh nhân tử vong. Ngày 17/10/2019, bệnh nhân V.N.A.T (33 tuổi) đến khám tại BVTM Emcas (14/27 Hoàng Duy Khương, phường 12, quận 10) để thực hiện đặt túi nâng ngực. Tuy nhiên, đến 22h45 cùng ngày, sau khi được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân tử vong. Liên quan đến sự cố PTTM ở BVTM Emcas, các cơ quan chức năng khẳng định bác sĩ Đ.V.H (44 tuổi, ngụ quận 9) giả quyết định điều chỉnh bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh đối với người hành nghề khám, chữa bệnh với phạm vi được bổ sung là khám, chữa bệnh chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ… Ngoài ra, qua xác minh, bác sĩ Đ.V.H là nhân sự của BVTM Kangnam. Cụ thể, trên hệ thống tra cứu thông tin của Sở Y tế TP, bác sĩ Đ.V.H có số chứng chỉ hành nghề 009047/HCM-CCHN, cấp năm 2013, lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Bác sĩ này công tác tại BVTM Kangnam. Việc, hai BVTM Kangnam và BVTM Emcas có liên quan đến bác sĩ “dởm” Đ.V.H khiến dư luận hoang mang, mất niềm tin vào thị trường thẩm mỹ trên địa bàn TP |
TH