Bẫy vay online: Cùng lúc là nạn nhân của nhiều app

0
345
Các app vay tiền online liên thông thông tin với nhau, người vay nhanh chóng được vay tiền mà không biết mình đã rơi vào bẫy.

Gần đây, báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được thông tin từ nhiều bạn đọc phản ánh về tình trạng tín dụng đen vay qua app trên điện thoại.

Đáng chú ý, hình thức vay qua app đã có thêm chiêu trò mới khi một ứng dụng có thể tích hợp hàng chục app vay tiền trong đó.

cẩn trọng khi vay tiền qua app

Anh Nguyễn Hoàng Tín (quận 7, TP.HCM) cho biết: Khoảng tháng 11-2019, do cần tiền để lo công việc và không muốn làm phiền bạn bè, người thân nên anh đã tải ứng dụng vay tiền online VTM ở trên mạng.

Vì được quảng cáo là thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh và cũng giống hầu hết ứng dụng vay tiền hiện nay, anh Tín phải cung cấp cho ứng dụng đầy đủ thông tin như số điện thoại, CMND và tài khoản ngân hàng.

Đặc biệt, điều quan trọng là người vay phải chấp nhận để ứng dụng được phép truy cập dữ liệu danh bạ trên điện thoại.

“Tôi vay 3 triệu trong thời gian sáu ngày, khi đến hạn phải trả đủ 5 triệu. Tương tự, mức vay là 5 triệu thì phải trả 7,4 triệu, mức vay 7 triệu thì phải trả hơn 10 triệu. Tiền trả phải đủ trong khi tiền giải ngân chỉ được khoảng 80% khoản vay, 20% bị giữ lại là chi phí quản lý, thẩm định.

Nếu không trả nợ đúng hạn thì sẽ bị đe dọa làm phiền người thân, bạn bè. Lo sợ người thân, bạn bè biết nên tôi làm liều nhấp vào những app vay tiền khác để trả cho app trước đó” – anh tín nói.

Cũng theo anh Tín, trước đây khi muốn tìm khoản tiền khác để trả nợ thì phải tìm app khác vay. Nay thì các app vay tiền liên thông nhau hết rồi, muốn vay tiền thì chỉ trong vòng “30 giây” thôi.

“Các thông tin cá nhân của tôi các app khác đều có, muốn vay tiếp cứ bấm đồng ý thì vay thôi. Cứ thế, như con thiêu thân, tôi vay app sau trả cho app trước, nhiều thì khoảng chục triệu, ít thì 2 triệu. Cứ thế, đến nay tổng tiền gốc và lãi phải tính chắc cũng gần 200 triệu rồi và tôi cũng đã hết đường trả nợ” – anh Tín nói.

Tương tự, cũng với hình thức vay như trên, anh Tô Đạt (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết anh tải ứng dụng VTM về để vay tiền. Khi vào xem thì bên trong app này lại có rất nhiều app khác cũng cho vay tiền.

“Để vay tiền từ các app này, tôi chỉ cần nhấp vào yêu cầu là hồ sơ sẽ được thẩm định mà không cần phải cung cấp lại số điện thoại hay số CMND vì các app đã có thông tin của tôi rồi. Chính vì tính liên thông thông tin với nhau của các app vay tiền mà người vay mới bị cuốn vào bẫy lúc nào không hay, đến khi nợ số tiền quá lớn thì đã muộn” – anh Đạt nói.

Anh Đạt nói thêm: “Khi thấy số tiền vay quá nhiều, phần lãi tính ra còn hơn tiền gốc, tôi đã rất lo sợ và bị khủng hoảng bởi cách mà các app này đòi nợ.

Đến lúc này tôi chỉ còn cách thú nhận với gia đình và nhờ người thân, bạn bè cho vay tiền để trả dứt điểm một lần cho các app. Mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định vay tiền qua các app này”.

Nhiều nạn nhân đến báo phản ánh, phơi bày chuyện của họ ra không phải để kêu ca mà chỉ muốn cảnh tỉnh mọi người: Hãy thật tỉnh táo trước khi vay của app này trả cho app kia. Bởi trong chuyện này có vay thì có trả. Nhất là trong mùa dịch, nhiều người rơi vào hoàn cảnh túng bấn, nhấn nút vay vài triệu là trả nợ không biết đến bao giờ mới hết.

Vì vay hàng chục ứng dụng qua app nên hằng ngày anh Tín thường xuyên nhận được điện thoại nhắc nợ. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Lối ra cho những người vay qua app

Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo từ phía cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng nhưng hiện vẫn có nhiều người mắc phải bẫy vay online và khó có đường thoát khỏi vòng luẩn quẩn vay sau trả trước, bị đe dọa đủ đường.

Anh Phạm Nhất Anh Pha, chuyên gia tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần, nhận định một ứng dụng tích hợp nhiều app vay tiền trong đó về bản chất thì nguyên tắc cho vay không có gì mới.

Cái mới ở đây là về mặt hình thức, thật ra các app vay tiền đó chỉ do một hoặc hai công ty chung một chủ tạo ra và sử dụng chung dữ liệu.

Thay vì người vay phải tải từng app riêng biệt về, sau đó cung cấp lại thông tin như trước đây thì bây giờ dữ liệu người dùng cung cấp ban đầu sử dụng sẽ được lưu lại máy chủ và chia sẻ cho các app vay tiền khác.

Như vậy, chủ của các app vay tiền muốn tạo cho người vay cảm giác nhanh gọn, đơn giản nhất để vay tiền. Do đó đã có rất nhiều người rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất.

“Cách duy nhất để không bị vướng vào hình thức tín dụng đen này chính là mỗi người cần chủ động tìm hiểu thông tin, hướng dẫn, cảnh báo trên báo chí trước khi vay. Không nên tin vào những quảng cáo cho vay tiền mà không cần điều kiện. Không một ai bỏ tiền của mình ra một cách dễ dàng để cho người khác vay mà không có gì trong tay để nắm thóp.

Một khi đã lún sâu vào khoản nợ của các app thì không có cách nào để thoát ra được, vì bản chất đây là một hình thức tín dụng đen. Do đó cần phòng bệnh hơn là chữa bệnh, chủ động tránh xa hơn là vướng vào rồi không có đường lui” – anh Pha chia sẻ.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng

Về bản chất, hình thức cho vay qua app là một dạng cho vay ngang hàng (2P2 Lending) trong khi hiện nay chưa có khung pháp lý nào quy định về hoạt động này. Kèm theo đó, mô hình này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về thông tin, trật tự an ninh xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có hành lang pháp lý để quản lý loại hình cho vay mang nhiều rủi ro, bất ổn xã hội như thế này.

Luật sư NGUYỄN THÀNH NAM,Đoàn Luật sư TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/bay-vay-online-cung-luc-la-nan-nhan-cua-nhieu-app-904406.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây